Thời gian gần đây trên địa bàn Phú Yên bỗng dưng ong ruồi xuất hiện nhiều ở các cánh rừng trồng gần khu dân cư. Khác với trước kia, để có được một tổ ong ruồi vắt lấy mật, cánh thợ chuyên nghiệp phải lùng sục "đỏ mắt" ở các cánh rừng xa mới tìm được.
Đi trên quốc lộ 1A ngang qua đèo Quán Cau (xã An Hiệp, Tuy An, Phú Yên) du khách rất dễ bắt gặp các tổ ong ruồi tươm mật được nhiều người treo bán lủng lẳng trên giá ven đường với đủ loại kích cỡ. Tổ nhỏ đường kính cỡ gang tay người lớn, giá bán chỉ 80 đến 100 nghìn đồng. Còn tổ lớn đường kính đến 2-3 gang tay được bán với giá từ 200 đến 300 nghìn. Có người bán ắt có người mua, chủ yếu là tài xế lái xe đường dài biển số Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM... “Năm nay ong ruồi xuất hiện nhiều ở khu rừng quanh khu vực gò đồi đèo Quán Cau. Có người mỗi ngày tìm được 2-3 tổ, dùng không hết nên đem bán”, ông Trần, một người dân ở lưng chừng đèo Quán Cau cho hay.
Theo cánh thợ săn mật ong chuyên nghiệp, trước đây rất hiếm gặp ong rừng đóng tổ ở các cánh rừng gần khu dân cư. Để có được một tổ mật, thợ săn phải dày công lùng sục, tìm chỗ ong lấy mật, hút nước, đón hướng ong bay. “Người săn ong phải thật tinh mắt và có tầm nhìn xa cả trăm mét. Khi đến chỗ ong lấy mật, hút nước thợ săn phải chọn đúng buổi sáng hoặc buổi chiều khi mặt trời vừa chen chân núi, mắt nheo lại theo dõi đường ong bay”, ông Mai Xuân Long, người chuyên đi lấy tổ ong rừng ở xã Xuân Phước (huyện Đồng Xuân) cho hay.
Theo ông Long, nếu thấy con nào hút mật, hút nước no bụng, lúc cất cánh bay lên cao dựng đứng rồi cắt ngang, lao thẳng về một hướng thì tổ ong ở gần đó. Còn con nào bay rà rà sát mặt đất rồi từ từ cất lên cao theo đường xiên thì tổ ong đóng ở xa. Ngoài ra, xác định hướng và vị trí tổ ong gần xa còn phải biết đặc thù của từng loài ong làm tổ ở cụm rừng nào. “Ong ruồi thường làm tổ ở những cụm rừng thấp. Nếu thấy cụm rừng trước mặt hướng ong bay đều là rừng rậm thì tổ ong đó nằm ở trên đỉnh núi. Tuy nhiên có khi cả năm tìm không gặp một tổ ong ruồi. Có người đặt hàng hỏi mua mật ong ruồi giá cao về làm thuốc nhỏ mắt cũng khó có. Cánh thợ săn chủ yếu tìm thấy ong thế, ong lỗ…”, ông Long nói.
Thế nhưng thời gian gần đây, ong ruồi bỗng dưng xuất hiện nhiều ở những cánh rừng gần với khu vực dân cư. Không chỉ tại khu vực đèo Quán Cau, mà tại các cánh rừng trồng ở huyện Đồng Xuân (địa phương giáp với 2 tỉnh Gia Lai và Bình Định), ong ruồi cũng xuất hiện nhiều đến bất ngờ.
Ông Nguyễn Ngọc Tân (xã Xuân Quang 3) cho biết, mới đây khi chăn bò ở khu vực Lỗ Da gần nhà, rảo trong đám rừng bạch đàn ông bắt được 3 tổ ong ruồi. Mỗi tổ trái ké (nơi chứa mật) bằng bắp chân người lớn, lấy cả lít mật. “Mấy chục năm qua chưa năm nào ong ruồi xuất hiện nhiều ở khu vực rừng trồng gần nhà như vậy. Trước đây muốn bắt ong ruồi phải lần lên trên núi cao, hiếm lắm mới gặp. Điều này cho thấy các khu rừng già, rừng trên Tây Nguyên bị chặt hạ đến mức không còn chỗ cư ngụ nên ong tìm về xuôi, đến các khu rừng bạch đàn mới trồng hoa đang nở rộ để đóng tổ”, ông Tân nhận định.
Ong ruồi xuất hiện nhiều ở Đồng Xuân nên gần đây người ở Tuy An, Sông Cầu… đổ xô lên các cánh rừng ở đây tìm tổ. Trung bình mỗi mùa ong họ “thu hoạch” hàng trăm tổ, lớn nhỏ đủ cỡ. “Năm ngoái tại cánh rừng Lỗ Chảo (La Hai, Đồng Xuân), nhóm tôi bắt được gần 50 tổ ong ruồi. Năm nay đi bắt các khu rừng lân cận cũng trúng to”, anh Trần Ngọc Tiến (xã Xuân Thọ 1, TX Sông Cầu), một người chuyên săn tổ ong rừng cho hay.
Theo anh Tiến, bắt tổ ong ruồi rất dễ. Chỉ cần dùng cái rựa bén chặt cành cây có tổ ong rồi cầm chạy đi chỗ khác vắt lấy mật. Nếu có con ong nào bay theo thì dùng chà lá mà đập. “Ong ruồi có chích một vài mũi cũng không ăn nhằm gì vì nọc của nó… hiền khô hà”, anh Tiến cười tươi nói.
|
Nhiều người đi đường bị hấp dẫn bởi những tổ ong rừng tươm mật. Ảnh: Chí Phan. |
Tuy nhiên, khác với việc bày bán tổ ong ở đèo Quán Cau, tại một số vùng nông thôn của tỉnh Phú Yên gần đây hay xuất hiện một vài người mặc quần áo giống như vừa đi rừng về, tay xách thùng chứa mật có cả sáp ong ruồi, ong thế lẫn lộn và có cả một vài con ong đu bám. Nhiều người thấy vậy không hề nghi ngờ, sẵn sàng bỏ tiền ra mua khi được họ chào bán. Nhưng khi đem “mật ong” về nhà để một thời gian mới tá hỏa, phát hiện ra đã mua phải mật ong rừng giả.
Như trường hợp chị Trần Thị Thủy, ở xã Xuân Phước (Đồng Xuân) mấy hôm trước chị thấy người đàn ông xách nửa thùng “mật ong vừa lấy trên rừng về” đi bán dạo với giá 80.000 đồng/lít nên chị và một số người đã mua hết. Hôm sau chị lại gặp người này bán “mật ong” ở nơi khác, cách thức cũng như hôm trước. “Tôi nghi ngờ người này bán mật ong giả nên về nhà lấy mật mới mua đem đến người sành kiểm định lại thì phát hiện chỉ một ít mật ong nuôi, phần lớn là mật đường”, chị Thủy cho hay.
Hiện tượng ong ruồi xuất hiện nhiều thời gian gần đây ở các cánh rừng bạch đàn, rừng trồng ở Phú Yên là có thật. Tuy nhiên, tổ ong, mật ong rừng được rao bán với nhiều cách thức khác nhau thì thật giả lẫn lộn. Có người bán cầm nguyên cả cành cây có tổ ong đu bám, lá còn tươi để “chứng minh” là ong rừng vừa bắt. Hoặc có người bê nguyên thùng đựng mật ong bên trên có có sáp ong, ong non, ong thợ đeo bám… Tuy nhiên, gặp những trường hợp như thế này người mua cần cẩn trọng vì có thể “tổ ong thật nhưng mật thì giả”.
“Nhiều người sau khi lấy được tổ ong mang về dùng kim tiêm hút phần lớn lượng mật nguyên chất ở trái ké ra rồi bơm mật đường vào thay thế. Mật nguyên chất hút ra tiếp tục đem pha trộn với mật đường. Vì vậy, đừng thấy rẻ mà ham”, anh Trần Quang Dũng, người từng bán mật giả nhưng nay đã "hoàn lương" cho hay.
Theo kinh nghiệm của nhiều người trong nghề săn tổ ong, có một cách đơn giản để thử là nhỏ giọt mật vào ly nước lạnh. Nếu là mật ong nguyên chất sẽ không tan, còn mật pha đường thì hòa tan trong nước.
Chí Phan